Dù chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump với Trung Quốc còn khá mơ hồ, ông từng tuyên bố sẽ áp thuế 60% lên tất cả hàng hóa Trung Quốc, bên cạnh các biện pháp hạn chế thương mại đã áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên, phần lớn được Tổng thống Joe Biden duy trì.
Lời đe dọa áp thêm thuế quan, bắt nguồn từ những gì ông Trump cho là hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc, có thể gia tăng đáng kể thách thức với Bắc Kinh.
Dù vậy, theo Wang Yiwei, chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng và sẽ đáp trả ngay trong vòng đầu tiên của một cuộc chiến thương mại với Mỹ, nếu nó xảy ra, nhằm tạo đòn bẩy đàm phán.
“Trung Quốc chắc chắn sẽ trả đũa”, Wang nói. “Chúng ta cần phải hành động để cho ông Trump biết rằng nếu ông ấy làm điều đó, cái giá phải trả có thể cao hơn”.
Các nhà phân tích nhận định một cuộc chiến thương mại khác có thể gây ra hậu quả tiêu cực cho Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh sẽ không bị bất ngờ trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
“Lần này, tôi nghĩ chính phủ Trung Quốc đã chuẩn bị tốt hơn”, Yuan Mei, chuyên gia thương mại quốc tế tại Đại học Quản lý Singapore, cho biết.
Bị gia tăng áp lực kinh tế chắc chắn không phải điều Bắc Kinh mong muốn vào lúc này. Trung Quốc hiện phải nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tăng và chính quyền nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước đang phải gồng mình trước các khoản nợ công khổng lồ.
Từ tháng 9, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc bắt đầu công bố loạt biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế, trong đó có chương trình trị giá 1,4 nghìn tỷ USD được đưa ra hồi tuần trước để hỗ trợ các địa phương đang thiếu tiền mặt.
Nền kinh tế trong nước gặp khó khăn nhưng xuất khẩu của Trung Quốc những tháng gần đây vẫn tăng vọt, mang lại tia hy vọng giữa bức tranh kinh tế ảm đạm. Lời đe dọa áp thuế 60% của ông Trump có nguy cơ dập tắt tia hy vọng đó.
“Xung đột thương mại có thể mở ra một mặt trận mới ở bên ngoài đất nước, khi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang phải chật vật với các vấn đề kinh tế trong nước”, Meg Rithmire, giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, chuyên gia nghiên cứu về nền kinh tế chính trị Trung Quốc, nhận xét.
Ông Trump đã phát động chiến tranh thương mại chống lại Trung Quốc vào năm 2018, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, khi ông áp thuế với hàng tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhằm thay đổi những gì ông coi là hành vi không công bằng của Bắc Kinh, như đánh cắp tài sản trí tuệ.
Cuộc chiến sau đó leo thang khi Trung Quốc trả đũa bằng đòn thuế vào hàng hóa Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp như đậu nành và ngô.
Các đòn thuế quan ăn miếng trả miếng này khiến cả hai bên phải trả giá đắt. Theo nghiên cứu của Yang Zhou, nhà kinh tế tại Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, cuộc thương chiến đã khiến Trung Quốc thiệt hại 35 tỷ USD và Mỹ thiệt hại 15 tỷ USD trong năm 2018-2019.
Vào năm 2020, năm cuối cùng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, hai nước đã ký một thỏa thuận thương mại, theo đó Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong hai năm. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không thực hiện đúng thỏa thuận. Trung Quốc mua ít hơn 60% lượng hàng nhập khẩu Mỹ mà họ đã cam kết, theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.
Khi Tổng thống Biden lên nắm quyền vào năm 2021, chính quyền của ông vẫn duy trì thuế quan, thậm chí còn tăng thuế đối với các mặt hàng như xe điện, pin năng lượng mặt trời và thép.
Trung Quốc đang trên đà ghi nhận thặng dư thương mại một nghìn tỷ USD với Mỹ, nghĩa là xuất khẩu đã vượt xa nhập khẩu. Diễn biến này có khả năng thổi bùng cơn sốt thuế quan của ông Trump.
Để trả đũa bất kỳ biện pháp mới nào của chính quyền Trump, Trung Quốc có thể sẽ tái áp đặt thuế nông sản, một phần vì nó nhắm vào sinh kế của nông dân Mỹ, nhóm cử tri quan trọng về mặt chính trị đối với ông Trump tại các bang chiến trường như Ohio và Iowa trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm 2027.
“Nếu những gì xảy ra trong vài năm đầu tiên của chính quyền Trump thực sự làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của nông dân Mỹ, cuộc bầu cử giữa kỳ có thể sẽ đi theo hướng khác”, Even Pay, nhà phân tích nông nghiệp tại Trivium China, công ty nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh, dự đoán.
Theo Pay, áp lực chi phí sinh hoạt đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của nhiều người Mỹ và mối lo ngại về nền kinh tế đã giúp ông Trump giành chiến thắng trong cuộc đua Nhà Trắng hồi đầu tháng. Vì vậy, việc đẩy giá thực phẩm tăng cao có thể gây áp lực đáng kể lên chính quyền Trump.
Bắc Kinh cũng đã thử nghiệm những công cụ mới, như các lệnh trừng phạt và biện pháp kiểm soát xuất khẩu, có thể hữu ích trong nỗ lực trả đũa kinh tế. Những công cụ này dựa trên khả năng thống trị của Trung Quốc đối với nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu để tạo lợi thế cho họ.
Ví dụ, Bắc Kinh đã cấm các công ty Trung Quốc cung cấp linh kiện cho Skydio, nhà sản xuất máy bay không người lái (UAV) Mỹ, vì công ty này bán sản phẩm tại đảo Đài Loan. Động thái trên đã khiến nguồn cung cấp pin của công ty bị gián đoạn, Skydio cho biết vào tháng trước.
Năm 2021, quốc hội Trung Quốc cũng thông qua một đạo luật cấm công ty nước này tuân thủ lệnh trừng phạt của nước ngoài.
Năm ngoái, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với gali và germani, hai loại khoáng chất được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn và tấm pin mặt trời, hạn chế nguồn cung trên toàn cầu.
Mặt khác, kế hoạch đánh thuế của ông Trump có thể sẽ là một gánh nặng đối với túi tiền người dân Mỹ. Nếu ông áp đặt mức thuế 60% với hàng hóa Trung Quốc, cũng như mức thuế chung 20% với hàng hóa từ các quốc gia khác, một hộ gia đình trung lưu điển hình Mỹ sẽ phải chi thêm 2.600 USD mỗi năm, theo phân tích từ Viện Peterson.
Mei từ Đại học Quản lý Singapore cho hay việc loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ gây thiệt hại cho các công ty trên toàn thế giới.
“Một số quốc gia sẽ được hưởng lợi, nhưng không phải ai cũng vậy, bởi thương mại toàn cầu ngày nay kết nối rất chặt chẽ”, ông nói.
Một trong những mục tiêu chính sách cốt lõi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong 4 năm qua là biến nước này thành một cường quốc tự chủ, không phụ thuộc nhiều vào nước ngoài về công nghệ tiên tiến hay sản phẩm nông nghiệp.
Căng thẳng thương mại giờ đây sẽ dễ kiểm soát hơn với Trung Quốc nhờ khả năng tự lực, đồng thời còn có thể thúc đẩy chương trình nghị sự tự cường của ông Tập, giới chuyên gia đánh giá.
“Việc tách rời có thể không quá nguy hiểm với Trung Quốc, thậm chí còn giúp Bắc Kinh trở nên bớt phụ thuộc vào bên ngoài”, chuyên gia Wang từ Đại học Nhân dân nói, đề cập đến tình trạng ngày càng tách biệt giữa kinh tế Mỹ và Trung Quốc. “Về ngắn hạn, tất nhiên, đó là một thách thức rất lớn. Nhưng về lâu dài, tôi nghĩ Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn và là công xưởng của thế giới”.
Trung Quốc đã đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để không phụ thuộc vào Mỹ. Trong thập kỷ qua, xuất khẩu của Trung Quốc sang Đông Nam Á và Mỹ Latin đã tăng hơn 75%.
Trung Quốc cũng phát triển các nguồn cung khác về nông sản. Lượng đậu nành nhập khẩu của Trung Quốc từ Brazil đã tăng hơn 140% từ năm 2015 đến 2023.
“Đối mặt với nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, Bắc Kinh hiện có thể tự tin phản công mạnh mẽ hơn, bởi họ biết chính xác nguồn cung của họ đến từ đâu và không còn phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ nữa”, Pay từ Trivium China lưu ý.
Theo giới quan sát, ông Trump có thể coi đòn tăng thuế như một cách để đưa Bắc Kinh ngồi vào bàn đàm phán và chấp nhận thỏa thuận. Nhưng mọi thứ về một thỏa thuận như vậy vẫn chưa rõ ràng, phần vì mục tiêu của biện pháp áp thuế vẫn còn mơ hồ, Rithmire từ Trường Kinh doanh Harvard cho biết.
“Liệu ông Trump có muốn Trung Quốc nhượng bộ không, và nhượng bộ về điều gì? Liệu chính quyền của ông có muốn đa dạng hóa hàng nhập khẩu để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc không?” bà đặt câu hỏi.
Triển vọng về các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai, kết hợp với mong muốn được nhìn nhận như một nhà đàm phán thỏa thuận toàn cầu của ông Trump, đang tạo ra bầu không khí lạc quan trong giới chính sách đối ngoại Trung Quốc.
“Về cơ bản, bản chất thực sự của ông ấy là một doanh nhân, mà các doanh nhân thường luôn biết cách làm ăn”, Wang Huiyao, người sáng lập nhóm nghiên cứu Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, trụ sở tại Bắc Kinh, cho hay. “Trung Quốc thực sự cũng thích nói chuyện làm ăn”.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, AFP, Reuters)